Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Mẹ TERESA

Trong số những con người kiệt xuất có rất nhiều người cùng ngày sinh nhật với tôi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương lớn nhất về tinh thần TỰ HỌC.
Và đặc biệt có một người phụ nữ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi: 
Mẹ TERESA

Có một câu nói của mẹ tôi lấy làm quan điểm sống, cách sống mỗi ngày:
Mới đây tôi có đọc được một bài viết rất ý nghĩa về mẹ xin được trích lại để các bạn cùng tìm hiểu:

"Tôi gặp một phụ nữ bị bệnh đang nằm chờ chết bên đường. Một nửa thân thể của bà bị chuột rỉa và phần thân thể còn lại thì bị kiến bu đen nghịt. Tôi đem bà vào bệnh viện nhưng họ không nhận vì chẳng còn cách nào chữa trị được. Tôi nhất định không chịu ra về nếu họ không săn sóc cho người đàn bà bất hạnh kia. Cuối cùng thì họ chịu tạm thời lo lắng cho bệnh nhân của tôi.
Để người đàn bà ở đó, tôi đi đến trụ sở thị xã để kiếm một nơi có thể đem bà đó về. May thay có người chỉ cho tôi một căn phòng trống trong ngôi chùa Ấn Độ Giáo bỏ hoang. Căn phòng đó sau nầy trở nên Căn Nhà Cho Những Người Đang Chết. Tôi cầm tay và ngồi lại với người phụ nữ kia cho đến khi bà ta trút hơi thở cuối cùng”.

Đó là một câu chuyện trong hàng ngàn câu chuyện mà Mẹ Teresa kể lại và đó cũng là một ngày trong suốt 50 năm mà Mẹ đã hiến dâng cho nhân loại khổ đau của thế gian nầy. Cô bé Agnes Gonxha Bojaxhiu cất tiếng khóc chào đời ngày 26 tháng 8 năm 1910 tại Macedonia thuộc xứ Albany. Cả gia đình theo đạo Thiên Chúa mặc dù đa số dân Albany theo Hồi Giáo và xứ sở nầy đang chịu sự bảo hộ của Đế Quốc Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Cha của Gonxha là một thương gia, có vẻ thích chuyện chính trị và thường vắng nhà vì công việc làm ăn xa. Năm Gonxha vừa lên 9 tuổi thì cha mất. Mẹ của Gonxha phải tần tảo để nuôi ba người con, tất cả đều trong tuổi còn thơ ấu. Cả gia đình đều ngoan đạo, ba mẹ con cùng cầu nguyện mỗi đêm và đi nhà thờ mỗi ngày. Trái tim của Gonxha, dù còn thơ ấu, đã sớm nhịp chung theo từng nỗi khổ đau của lớp người cùng khổ. Nhà của ba mẹ con ở vốn cũng đã nghèo nhưng nếu có ai cần gì gõ cửa thì Gonxha cho hết những gì mình có. Gonxha thường theo mẹ đi giúp đỡ một người đàn bà góa bị bịnh ghiền rượu trong làng, tắm rửa và lo cho con cái bà ta ăn uống. Khi bà góa phu chết để lại sáu đứa con thơ, mẹ con Gonxha lại tiếp tục lo lắng cho chúng như trong một gia đình.

Đến tuổi 12, cô gái Agnes Gonxha Bojaxhiu đã có ý nguyện hiến dâng cuộc đời để phục vụ ước muốn của Chúa. Gonxha cầu nguyện rất nhiều, mãi đến khi cô Gonxha lên 18 tuổi thì lời cầu nguyện được thành sự thật. Một buổi chiều năm 1928, sau khi đế nhà thờ Đức Mẹ cầu nguyện, Gonxha gạt nước mắt từ giã mẹ và hai chị lên đường đi về phương đông xa xôi, nơi khổ đau đang chờ đợi bàn tay và trái tim của cô. Gonxha tạm thời dừng lại ở Dublin để làm thủ tục tại cơ sở chính của dòng tu Loreto Sisters. Tại đây Gonxha học tiếng Anh và làm quen với đời sống tôn giáo. Cô nhận y phục của một nữ tu và chính thức chọn tên cho mình là Teresa để tưởng nhớ đến Thánh Teresa của Lisieux. Tháng 12 năm 1928, Sơ Teresa cùng một nhóm nữ tu lên đường đi Ấn Độ, một xứ sở mà Sơ Teresa hằng mơ ước. Đầu năm 1929, đoàn nữ tu đến Columbo, rồi Madras và cuối cùng là Calcutta.
Đoàn nữ tu tiếp tục chuyến đi về phía Darjeeling, dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn, ở đó các sơ trẻ sẽ được bắt đầu huấn luyện hai năm trước khi thực hiện Lời Hứa thứ nhất. Hoàn cảnh sống của dân chúng Ấn Độ đã làm trái tim của Sơ trẻ Teresa thắt lại. Bao nhiêu người đói khát, bệnh tật đang thoi thóp chờ chết trên cùng khắp mọi nơi trên vùng đất Bengaly nghèo nàn và bất hạnh. Sơ Teresa đi Calcutta để theo học ngành sư phạm và không lâu sau đó đã trở nên một cô giáo trong trường cấp hai. Lòng bác ái của Sơ Terera đã chinh phục tâm hồn đang khao khát tình thương của học trò một cách dễ dàng. Sơ Teresa không chỉ dạy học sinh học chữ mà còn dạy thương yêu và dâng hiến tình yêu. Ngày 24 tháng 5 năm 1937, Sơ Teresa thực hiện Lời Hứa cuối cùng tại Darjeeling. Ngoài nhiệm vụ dạy học, Sơ Teresa dành thời gian để giúp đỡ những người nghèo khổ. Sơ Teresa đi thăm viếng bịnh viện, thăm viếng những khu dân nghèo, những khu thường được gọi một cách khinh bỉ là khu ổ chuột.
Cuộc sống bi thảm của dân chúng đã làm sống dậy mãnh liệt trong lòng Sơ Teresa ước muốn “sống giữa sự khổ đau của nhân loại” mà Sơ từng ôm ấp từ những ngày còn ở quê hương Macedonia. Với tất cả dự tính trong đầu, Sơ Teresa rời trường học để về lại Darjeeling vào ngày 10 tháng 9. Như Sơ đã nhắc lại sau nầy “đây là chuyến đi quan trọng nhất trong cuộc đời tôi”. Ngày 10 tháng 9 sau nầy được dòng tu của Mẹ Teresa gọi là “Ngày Ước Vọng”. Sơ Teresa cố gắng thỉnh nguyện Đức Ông Perier, Tổng Giám Mục Calcutta để cho phép Sơ được rời khỏi dòng tu Loreto Sisters để trở thành một nữ tu độc lập. Tuy nhiên lời thỉnh cầu của Sơ đã bị từ chối.

Một năm sau, Sơ Teresa lại lần nữa đệ đạt lời thỉnh cầu của mình. Lần nầy, Đức Tổng Giám Mục đồng ý nhưng chỉ thị Sơ Teresa phải đệ trình đơn thỉnh nguyện lên Tòa Thánh.
Mãi đến tháng 8 năm 1948, Sơ Teresa mới nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh cho phép Sơ được rời khỏi dòng tu Loretto với một điều kiện rằng Sơ phải giữ lời hứa phục vụ người nghèo, tinh khiết và tuân phục. Ngay sau đó, Sơ Teresa, 38 tuổi, từ giã chiếc áo nữ tu Loretto và thay vào đó chiếc áo vải thô, trị giá chỉ 1 đồng tiền Ấn Độ, với viền xanh nhạt. Sơ Teresa trở nên một công dân Ấn Độ và cuộc hành hương vào giữa nỗi khổ đau của nhân loại thực sự bắt đầu.
Sau khi học một khóa huấn luyện kỹ càng về làm thế nào để sống và săn sóc người nghèo và bịnh tật, Sơ Teresa trở lại Calcutta, đi vào các khu ổ chuột và giúp đỡ dân chúng cùng khổ ở đó. Hằng ngày Sơ Teresa tắm cho các em bé, lau chùi các vết thương của bệnh nhân. Phương tiện duy nhất của Sơ là đôi bàn tay, một cục xà phòng nhỏ và vài chiếc khăn. Bất cứ khi nào có thể, Sơ Teresa cũng không quên dạy họ học chữ. Sơ một mình âm thầm làm việc như thế trước sự ngạc nhiên của mọi người trong làng. Họ tự hỏi “Người đàn bà Châu Âu trong bộ đồ vải trắng đó là ai ?” Đối với trẻ em nghèo, họ bắt đầu gọi Sơ là Mẹ Teresa. Đối với Mẹ Teresa, Chúa là chỗ dựa tinh thần duy nhất mà thôi.

Một ngày nọ có một cô học trò cũ, con nhà giàu tìm đến và xin ở lại với Mẹ. Mặc dù đây là phút giây cảm động nhưng Mẹ Teresa một mực từ chối. Mẹ kể cho cô gái nghe về đời sống và công việc làm hằng ngày của Mẹ, trong đó bao gồm việc tắm rửa cho bệnh nhân, lau chùi các vết thương, vết lở đầy máu mủ. Cô gái ra về.

Ngày 19 tháng 3 năm 1949, cô gái đó trở lại, không một chút phấn son và không một món trang sức nào trên người. Ước muốn của cô đã được Mẹ Teresa chấp nhận. Mẹ Teresa dùng tên cũ của mình để đặt cho tên cho cô gái: Agnes. Và cứ thế, tháng 5 có thêm ba người gia nhập và sang năm sau thì có thêm 7 người. Hội của những nữ tu Bác Ái với 12 nữ tu đầu tiên được thành lập và được Đức Giáo Hoàng chấp thuận vào ngày 7 tháng 10 năm 1950.

Nguyên tắc căn bản của dòng tu là hiến dâng chính mình để phục vụ người nghèo trong tình yêu của Chúa. Mẹ cũng đã mua lại căn nhà cũ của một người Pakistan để làm trụ sở đầu tiên. Căn nhà sau đó đã được gọi là Căn Nhà Của Mẹ. Từ điểm khởi hành đó, hàng trăm người từ khắp nơi trên thế giới đổ về hàng năm để cùng với Mẹ Teresa dâng hiến đời mình để xoa dịu nỗi khổ đau của nhân loại.

Vào khoảng giữa thập niên 1950, Mẹ Teresa tập trung nỗ lực vào việc giúp đỡ bệnh nhân cùi. Chính phủ Ấn cung cấp cho Mẹ khoảng đất rộng 34 mẫu để thành lập Trại Cùi, trại nầy được Mẹ đặt tên là Shanti Nagar (Làng Thanh Bình).

Để tỏ lòng biết ơn và tôn kính, chính phủ Ấn đã trao tặng Mẹ Teresa giải Padmashree và 1965 Đức Giáo Hoàng Paul VI đã đặt Dòng Tu Bác Ái trực tiếp dưới sự kiểm soát của tòa thánh. Đức Giáo Hoàng cũng đề nghị Mẹ Teresa mở rộng dòng tu sang các quốc gia khác ngoài Ấn Độ. Năm 1971, Đức Giáo Hoàng Paul VI tặng Mẹ Teresa giải Hòa Bình Giáo Hoàng John XXIII cao quý. Năm sau, chính phủ Ấn Độ trao tặng Mẹ Teresa giải thưởng quan trọng: Jawaharlal Nehru. Năm 1979, Mẹ Teresa được trao tặng giải Nobel Hòa Bình, giải thưởng quốc tế được kính trọng nhất.

Dù nhận bao nhiêu huân chương và giải thưởng, Mẹ Teresa cho đến cuối đời vẫn một chiếc áo vải thô trắng viền xanh đơn giản mà Mẹ đã mua với giá 1 đồng và tấm lòng thương người bao la như nước sông Hằng cuồn cuộn.

Mẹ Teresa có lần dạy một bài học về tình yêu đầy ý nghĩa: “Người nghèo không cần chúng ta thương hại, họ cần tình yêu và thông cảm. Họ cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ. Trong thời gian khó khăn của Ấn Độ, chúng tôi yêu cầu một số người tình nguyện từ khắp nơi đến giúp. Nhiều ngàn người đã đến và khi họ ra về, nhận xét chung của họ là họ đã đem về nhiều hơn là đem cho. Có một lần ở Calcutta, chúng tôi nhặt được 5 người đang chết, trong đó có một người phụ nữ bịnh quá nặng. Tôi muốn ngồi với bà trong giờ phút cuối cùng. Tôi đặt tay tôi lên tay của bà. Bịnh nhân tỉnh ra, nhìn tôi, không than đói, không than khát chỉ miệng cười và nói “cám ơn” trước khi nhắm mắt lại từ giã cuộc đời”.

Ngày thứ Sáu 5 tháng 9 năm 1997. Mẹ Teresa được Chúa gọi về sau hơn 50 năm phục vụ những người cùng khó. Không phải chỉ dân tộc Albany hay quốc gia Ấn Độ, mà cả nhân loại mất đi một người Mẹ hiền. Ngay cả một tờ báo Hồi Giáo ở tận xứ Kasmir cũng đã viết những dòng ca ngợi Mẹ: “Mẹ Teresa chưa hề được sinh ra đời và Mẹ cũng chẳng bao giờ chết, Mẹ chỉ đến viếng thăm hành tinh của chúng ta mà thôi”.



Trần Trung Đạo (
http://www.trantrungdao.com)