Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Đọc Mỗi Tuần Một Cuốn Sách


Nếu chưa thiết lập thư viện cá nhân của riêng mình, bạn có thể mượn sách từ thư viện cá nhân của người khác.


Việc đầu tư vào sách là một trong những đầu tư khôn ngoan – đương nhiên, phụ thuộc vào việc bạn chọn sách gì. Tôi không đầu tư quá nhiều thời gian vào việc giành điểm cao ở trường. Tôi đầu tư vào những cuốn sách có giá trị, và đó cũng là giáo dục, đầu tư vào con người, đầu tư cho chính mình. – Ông Nguyễn Cảnh Bình, giám đốc Alpha Books.
Đọc sách là một trong những thói quen quan trọng nhất bạn có thể nuôi dưỡng. Lịch sử đã chứng minh, sự đầu tư vào thói quen mang tính giáo dục này bao giờ cũng cho lợi nhuận thu về rất cao.

Trách Nhiệm Của Mọt Sách Chân Chính

Hiện nay trung bình 1 người Việt Nam đọc 3 cuốn sách 1 năm – trong đó có 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy số lượng sách tự chọn chỉ chưa đến 0,7 cuốn/1 người/1năm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Thaihabooks
Việc thiếu văn hóa đọc đã khiến Việt Nam không thể sinh ra những người sống bằng khoa học, trí tuệ như Bill Gates, Steve Jobs. Ở Việt Nam trí thức đang bị coi nhẹ, người ta chỉ ham những chiêu trò làm giàu kiếm tiền nhanh. Người lưu manh giả danh trí thức cũng nhiều. Có bạn đi đâu cũng kẹp sách, kẹp đến nỗi hôi cả sách mà đầu óc vẫn không sáng láng ra tí nào.
Ở Việt Nam, những đầu sách giải trí bán chạy nhất cũng khó lòng lên nổi con số 10.000 bản. Con số này thấp hơn rất nhiều (500 bản in) với những đầu sách có giá trị tư tưởng, hàm lượng tri thức cao. Tính trên số lượng 88 triệu dân – tức là chỉ có xấp xỉ 0,00057% dân số tiếp cận. Con số thống kê ấy đã bỏ qua một lượng lớn sách lậu ở các sạp vỉa hè và trên mạng, nhưng tôi cho vẫn có tính đúng. Bao nhiêu người xung quanh bạn đam mê đọc sách thật sự?
Trí tuệ của người Việt Nam đang ở mức báo động đỏ. Theo bài viết trên Tạp chí Tia Sáng của GS.TSKH Trần Xuân Hoài, con người Việt Nam có thể xem là nước thiểu năng trí tuệ. Việt Nam chủ yếu ở nửa dưới trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu với khuynh hướng càng ngày càng giảm.
Trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam không hề thấp. Theo biểu đồ, bạn sẽ thấy nguyên nhân khiến chỉ số về trí tuệ của Việt Nam thấp không phải do người Việt Nam ngu dốt mà là do sự bất cập của Tổ chức quản lý nhà nước và sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho Vốn con người. Khi các quan chức Việt Nam chỉ tập trung ăn nhậu mua Ipad cho mình và bỏ mặc nền giáo dục ở địa phương. Khi những trường đại học Việt Nam luôn tăng học phí trong khi không nâng cấp chất lượng giảng dạy hay cơ sở hạ tầng. Khi nhà nước và nhà trường không quan tâm đến bạn, bạn phải tự đầu tư cho chính mình, và thúc đẩy cộng đồng quanh mình cùng vươn lên. Đó là tinh thần của Đại Học Cá Nhân.
Một đất nước có chỉ số Đổi Mới/Sáng Tạo thấp đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không còn nữa thì sao?
Là một mọt sách chân chính, bạn phải có trách nhiệm phải khuyến khích và chia sẻ về đam mê văn hóa đọc. Tôi tin tri thức là một trong những cách tốt nhất để rút ngắn khoảng cách chênh vênh giữa bạn trẻ Việt Nam và bạn trẻ các nước khác.

Sách – Người Bạn Thân Thiết Và Chung Thủy

Sách là người bạn thân thiết và chung thủy của con người.
Sách phi tiểu thuyết có thể cung cấp những bước nhảy vọt về trí thức, rút ngắn khoảng cách giữa một nước đang phát triển và nước đã phát triển. Vua Minh Mạng của nước Nhật đã cho dịch tất cả những đầu sách tinh hoa của nước ngoài ra tiếng Nhật để có một thế hệ người Nhật nổi tiếng thông minh ngày hôm nay.
Sách tiểu thuyết là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống được chắt lọc, có khả năng làm tâm hồn người ta yên tĩnh và giàu có lên. Những áng văn chương lãng mạn về những câu chuyện giả tưởng đã thêm nghị lực và niềm tin cho biết bao nhiêu người đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Một trong những thói quen hiệu quả nhất để nuôi dưỡng bộ não là mỗi tuần đọc một cuốn sách (trung bình) trong lĩnh vực bạn quan tâm. Đọc 50 cuốn sách mỗi năm là một thành tựu đáng nể. Brian Tracy cho rằng chiến thược này sẽ giúp bạn trở thành một chuyên gia toàn cầu trong lĩnh vực chuyên môn trong vòng 7 năm. Hãy tưởng tượng bạn làm internet marketing. Nếu bạn đọc 50 cuốn sách về internet marketing trong năm nay, điều đó có giúp bạn thành công nhanh hơn không? Chứ còn gì nữa.
Tôi là dạng dậy thì sớm nhưng trưởng thành muộn (sinh lý phát triển trước ý thức). Ý thức về sự tự học của tôi chỉ nảy nở cách đây 2 năm. Từ đó đến nay, tôi đã đọc những quyển sách về các chủ đề: sức khỏe, ăn kiêng, dinh dưỡngrèn luyện thể chất, yoga, bơi lội, chạy bộ, thư giãn, giấc ngủ, EQ, IQ, đọc nhanh, trí nhớ, nhạc lý, piano, mối quan hệ, nghệ thuật giao tiếp, quản lý thời gian, hiệu suất, marketing, bán hàng, lãnh đạo, quản trị, kinh doanh, khởi nghiệp, thành công, tài chính, triết lý, tâm linh, tự tin, NLP, đặt mục tiêu, tiểu sử, zen. Tôi cũng xem nhiều sách tiểu thuyết và kỹ thuật chuyên ngành. Danh sách đọc của tôi bao gồm rất nhiều thể loại: bài báo, sách giấy, sách nói, sách hình, video. Chúng tích lũy để lại những điều đẹp đẽ mà tôi mang theo suốt cuộc đời.
Dù đã dày công ăn kiêng sách vở, nhưng đôi khi tôi vẫn đọc phải những quyển sách dở ẹt. Tác giả rất nhiệt tình và có niềm tin, nhưng ý tưởng đưa ra quá cảm tính. Một quyển sách in ra giấy cần chỉn chu. Tác giả phải tôn trọng người đọc đã bỏ công bỏ tiền đi mua sách. Mỗi quyển sách in ra được là phải đốn chặt bao nhiêu cây trên rừng và gây ô nhiễm môi trường bởi hóa chất. Sách viết để in ra mà không cẩn trọng thì đồng nghĩa với gián tiếp phá rừng và gây ô nhiễm môi trường. Bạn có thể xem công sức tuyển chọn của PTCNVN tại đây.
Lượng kiến thức này sẽ dẫn tôi đến đâu? Sách giúp tôi có nhiều kiến thức hơn về thế giới quan. Nhưng cũng mở rộng những điều tôi chưa biết. Hãy hình dung kiến thức thế giới như là một vòng tròn, những gì bạn biết nằm ở trong, chưa biết nằm ở ngoài. Đường viền của vòng tròn biểu hiện sự nhận thức của bạn về những gì bạn chưa biết. Bạn càng hiểu biết nhiều hơn, vòng tròn càng to ra, nhưng đường viền cũng to theo. Càng học nhiều bạn càng nhận thức rõ mình chưa biết nhiều.
Có tốt không khi nhận ra mình ngu dốt đến chừng nào? Tốt. Khi bạn hiểu rõ những gì bạn không biết, bạn sẽ chọn lựa tốt hơn khi xác định rõ những gì mình muốn biết kế tiếp. Làm sao bạn biết rõ mình muốn gì khi không biết rõ những gì mình không muốn?
Ví dụ về ngành phát triển cá nhân, một khái niệm quan trọng ám ảnh tôi là sự liên quan giữa mọi vấn đề trong cuộc sống (nguyên lý hợp nhất). Các diễn giả truyền động lực thường gieo vào đầu bạn tư tưởng rằng do thiếu động lực nên bạn không tài giỏi. Các lớp học khai phá bản thể nói mọi vấn đề của bạn là do bạn không biết mình là ai. Nhưng hò hét trước gương, tự kỷ ám thị mỗi ngày, hay ngồi thảo luận triết lý ẩm ương trừu tượng lại không giúp bạn tiến xa hơn. Thậm chí còn khiến bạn cảm thấy những gì mình đang làm thật vớ vẩn. Vấn đề thật sự có thể là do chế độ ăn uống buông tuồng hay thiếu tập thể dục. Hoặc bạn thiếu sự kết nối với các mối quan hệ. Hoặc bạn đang mắc kẹttrong một môi trường tiệu cực. Hoặc bạn đang không biết rõ ràng mục tiêu mình muốn là gì.
Nguyên nhân trước mắt của một vấn đề thường không phải là nguyên nhân gốc rễ. Nếu bạn thấy mệt mỏi mỗi buổi sáng thức dậy, thiếu tập thể dục hay chế độ dinh dưỡng chưa chắc là lý do thật sự. Đó chỉ là triệu chứng khuyến mãi của một vấn đề bí ẩn hơn. Có thể nơi bạn ngủ quá thiếu không khí trong lành. Có thể bạn đang bị ức chế tình cảm. Bạn có thể đọc sách về hạnh phúc và thành công, rồi bạn lại không thực hiện chúng. Có gì đó sâu thẳm hơn ngăn chặn bạn hành động theo những gì bạn đã biết.

Bạn Nhận Được Gì Từ Việc Đọc Sách?

Đọc mỗi tuần một cuốn sách là một thói quen tuyệt vời. Khi nói về thói quen, tôi thường nghĩ đến kết quả mình sẽ gặt được trong 1 năm, 5 năm, 10 năm sau nếu giữ thói quen này.
Kiến thức và cái nhìn bạn thu hoạch được từ sách không phải là lợi ích chính. Lợi ích thực sự không đến từ những gì bạn đọc mà từ từ thói quen đọc. Chỉ có một số ít đầu sách, khoảng 20%, là thực sự khiến bạn giật mình thức tỉnh. Nhưng 80% còn lại cũng không hề thừa thãi. Chính sự tiếp xúc liên tục với trí thức nhân loại giúp đầu óc bạn nhạy bén hơn để tiêu hóa 20% quan trọng trên tốt hơn.
Khi bạn đọc một quyển sách mới mỗi tuần, bạn tạo điều kiện cho tâm trí mình luôn tiếp nạp thêm kiến thức mới. Mỗi ngày bạn đẩy thêm nhiều ý tưởng vào, khiến cho bộ máy tư duy của mình phải tìm cách để kết hợp kiến thức mới vào hệ thống kiến thức sẵn có. Đọc thường xuyên kích thích hoạt động tư duy của bạn, ngay cả vào lúc bạn không cầm sách trên tay.
Cho nên khi các bạn hỏi tôi nên đọc sách gì để giải quyết một vấn đề cụ thể, tôi thường diễn rất tròn vai người Việt trầm lặng. Tôi không biết vấn đề bạn nêu ra có thực là vấn đề bạn cần phải giải quyết (bạn đang cần chứng minh bản thân hay kiếm nhiều tiền hơn), nhất là khi tôi không biết rõ bạn. Ngoài ra, việc đọc một cuốn sách không quan trọng bằng thói quen đọc hằng ngày. Khi bạn tạo điều kiện cho não mình thoải mái với nhiều hoạt động tinh thần mới mẻ, tư duy của bạn sẽ phát triển nhanh chóng, ngay cả vào lúc bạn đang thư giãn.

Cái Gì Không Dùng Sẽ Mất

“Không dùng sẽ mất” rất đúng với việc rèn luyện bộ não. Bạn có não để làm gì? Tôi có một radar rất nhạy với những người đọc nhiều (hoặc hoạt động bộ não nhiều). Khi bạn nói chuyện với họ, họ luôn có điều gì mới để chia sẻ. Họ luôn thử những góc nhìn mới, những cách suy nghĩ mới. Khi bạn nói chuyện với họ, trí tuệ của bạn được mở rộng, cảm xúc của bạn được thăng hoa. Ngược lại, khi bạn nói chuyện với những người không đọc gì, suy nghĩ của họ thường nhạt nhẽo. Một tháng sau họ vẫn nói điều tương tự, than phiền về một vấn đề cũ rích, mắc kẹt trong lối mòn tư duy. Khi bạn nói chuyện với họ, não bạn xoắn tít như lò xo, lông mày bạn vểnh lên, mặt bạn troll ra. Một thời gian dài đã trôi qua, nhưng dường như họ chưa trưởng thành nhiều lắm, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Rèn luyện bộ não cũng giống như rèn luyện thể chất. Bạn sẽ không nói với HLV:“Hôm nay tôi cần tập bài gì để hổ báo suốt cả tuần”. Bạn cũng sẽ không nói với cô thủ thư: “Nói cho tôi biết quyển sách nào tôi có thể đọc để làm giàu”. Không, nói như thế thật ngốc! Để săn chắc cơ bắp bạn cần thói quen của việc luyện tập đều đặn, để tăng thêm nếp nhăn cho não cần thói quen đọc sách thường xuyên. Lười tập thể dục sẽ khiến cơ bắp bạn teo lại, thiếu các bài tập tinh thần sẽ khiến não bạn phẳng ra.
Cũng như rèn luyện thể chất, với phương pháp rèn luyện đúng, bạn sẽ không mất cả đời mới đạt được những lợi ích chính yếu. Hãy thử gìn giữ thói quen đọc sách trong vài tuần, bạn sẽ nhận ra những kết quả mạnh mẽ. Suy nghĩ bạn nhạy bén hơn, cá tính bạn được hun đúc, bạn giải quyết vấn đề tốt hơn, nói chuyện hấp dẫn hơn, thế giới thú vị hơn. Khi bạn miên man đào sâu suy nghĩ trong các khu rừng học vấn, bạn sẽ phát hiện ra chiều sâu của sự kiện và tự mình bồi bổ tư cách mình. Nuôi dưỡng những ý tưởng tích cực mỗi ngày cũng giúp bạn đè bẹp những ảnh hưởng tiêu cực. Thuộc một câu thơ hay, bớt một câu chửi tục.

Cách Đọc Mỗi Tuần Một Cuốn Sách

Mỗi tuần một cuốn sách là một mục tiêu có thể đạt được. PTCNVN đã có những bài viết về cách đọc nhanh và đã xuất bản một ebook “Cách Đọc Sách”. Nếu bạn đọc 1000 từ/phút và hiểu sâu nhớ lâu những gì mình đã đọc, bạn có thể đọc mỗi ngày một cuốn sách. Nhưng hãy giữ thói quen chỉ mỗi tuần một cuốn sách. Não bạn cần thời gian để tiêu hóa những kiến thức mới mẻ được tiếp thu. Ngoài ra, bạn còn phải rèn luyện thể chất, làm việc, hẹn hò, chơi videogames, đọc manga, xem phim…Bạn biết đấy, những thú vui cuộc sống khác.
Những điều trên áp dụng không chỉ cho việc đọc mà còn ứng dụng thực tiễn cho việc hấp thu kiến thức. Tất cả những gì bạn cần làm là dành 30-60 phút mỗi ngày để ngồi xuống, và đọc. Bạn cũng có thể nghe sách nói khi tập thể dục, đi xe, chờ người yêu. Bạn có thể đăng ký lớp học thêm ban đêm. Bạn có thể đi hội thảo cuối tuần. Bạn có thể gặp gỡ những người bạn thông minh – những quyển sách sống khác. Bạn có thể xem Discovery Channel với một ly rượu vang. Đọc báo và blog cũng khá hữu ích, nếu những gì bạn đọc khiến bạn suy nghĩ. Lưu ý rằng, chỉ một số ít đầu báo tại Việt Nam có thể khiến bạn suy nghĩ. Chỉ một số ít blogger tại Việt Nam đủ tầm khai thông não bạn. Nếu bạn đọc xong mà quên ngay, thì bài viết cũng không mấy giá trị.
Cách trên bảo đảm mỗi ngày bạn luôn tiếp thu và phát ra những ý tưởng thú vị. Đầu vào tốt, đầu ra tốt. Tôi thường đọc một cuốn sách phi tiểu thuyết khi tỉnh táo lúc mặt trời còn thức. Và đọc sách tiểu thuyết khi trăng treo để làm dịu tâm hồn sau một ngày dài.
Bạn có thể không có bằng đại học, nhưng nếu bạn đọc 52 cuốn sách mỗi năm, lượng kiến thức bạn nhận được sẽ hơn rất nhiều tân cử nhân mài mông trên ghế nhà trường.
Đọc mỗi tuần một cuốn sách. Thử làm trong 5 năm. Bạn sẽ thích kết quả.

Tài Liệu & Công Cụ:

Đây là một vài điểm khởi đầu nếu bạn quyết tâm tiêu diệt sự ngu dốt của mình:
  • Thư viện Phát Triển Cá Nhân VN: 100+ cuốn sách hay nhất trong nhiều lĩnh vực được phân loại rõ ràng theo chủ đề.
  • e-thuvien.com: Diễn đàn chia sẻ ebook lớn nhất Việt Nam. Dành cho những con mọt sách muốn kiếm cách hiệu quả nhất để hư mắt. Nếu bạn thích một cuốn sách, hãy mua để ủng hộ tác giả.
  • Discovery Channel: Kênh khám phá này sở hữu những bộ DVD mang tính giáo dục vô cùng hấp dẫn. Coi trọn bộ chương trình mà không dính quảng cáo cũng rất sướng.
  • Amazon: Amazon là siêu thị sách trực tuyến tốt nhất Trái Đất. Bạn có thể mua bản giấy gửi hàng về Việt Nam, hoặc mua bản ebook và đọc ngay lập tức trên thiết bị điện tử.
  • Tiki: Tham vọng trở thành một Amazon của Việt Nam. Hiện nay ngoài bán sách trực tuyến ra thì các mặt hàng khác trên Tiki (thời trang, quà tặng) không mấy hấp dẫn lắm, bạn có thể nguồn hàng tốt hơn tương tự bên ngoài.
  • Alpha Books: tủ sách của anh Nguyễn Cảnh Bình. Chuyên về sách kinh doanh.
  • Thái Hà Books: tủ sách của thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Chuyên về sách phật giáo, triết lý.
  • Nhã Nam: chuyên về dòng sách mới, dễ đọc, nhiều đầu sách tiểu thuyết nước ngoài hay: Haruki Murakami, Guillaume Musso, Marc Levy…
  • Nhà Xuất Bản Trẻ: chuyên về dòng sách văn học trong nước: Nguyễn Ngọc Tư, Mạc Can, Hồ Anh Thái…
Một thư viện cá nhân nho nhỏ như tôi ở một phòng trọ là BẮT ĐẦU

Nguồn: ĐẠI HỌC CÁ NHÂN


“Tôi tin chắc rằng tự-giáo-dục là loại hình giáo dục duy nhất trên đời.”
Isaac Asimov 


Tìm hiểu thêm về ĐẠI HỌC CÁ NHÂN tại http://lnkd.in/-DZi2P và http://lnkd.in/vvVcrV

Cách Sử Dụng Mạng Xã Hội (Mà Không Bị Mạng Xã Hội Sử Dụng): 5 Nguyên Tắc


Cách Sử Dụng Mạng Xã Hội-Phát Triển Cá Nhân VN
Công nghệ là nô lệ tốt nhưng là ông chủ tồi. Facebook/Twitter/Google+ có thể lật ngược vị trí “sử dụng – bị sử dụng” với bạn một cách tài tình.
Một mạng xã hội, thống trị tất cả? Chúa tể mạng xã hội vẫn chưa xuất hiện. Người ta sẽ sử dụng nhiều trang mạng xã hội nếu họ thấy trang này hữu ích trong việc kết nối và chia sẻ của mình. Twitter thông báo tin về sự ra đi của Whitney Houston 27 phút trước khi có cuộc họp báo. Facebook đăng ảnh người thân và kết nối với những bạn bè thời trường xưa. Google+ giúp người khác học chơi guitar qua video hangouts…
Người sử dụng, những người bình thường như tôi và bạn, đã có thể làm những chuyện phi thường nhờ sử dụng mạng xã hội thông minh: chia sẻ tình yêu cuộc sống, giới thiệu những địa điểm hay ho và đáng tin cậy hơn bất kỳ tạp chí nào khác, gây quỹ từ thiện với tốc độ của một tia chớp, tổ chức các câu lạc bộ toàn quốc… Hay trong một TED, diễn giả đã nói như sau:
Facebook, Twitter và giúp những công dân bị chế độ đàn áp ở Iran đưa những tin tức thực sự lan truyền đến tòan thế giới [....] và đã làm thay đổi bản chất của chính trị…
Mạng xã hội hay không mạng xã hội? Mạng xã hội và thức ăn rác? Đó không còn là câu hỏi.
Câu hỏi đúng là thế này: làm thế nào để sử dụng mạng xã hội hiệu quả nhấtĐâu là những cách kết nối và chia sẻ với người khác hữu ích và thân thiện hơn?
Dưới đây là 5 quy tắc giao tiếp trên mạng xã hội để bảo đảm bạn không bị sử dụng ngược:

1.Đừng Đọc Và Đăng Cùng Lúc

Đây là vấn đề xảy đến với những ai dễ dãi trong việc kết bạn/theo dõi người khác.
Bạn nảy ra một chia sẻ rất hay để đăng trên Facebook/Twitter. Sau khi đăng nhập, bạn lại để ý đến những dòng cập nhật khác từ những người bạn xa lạ trên mạng. Một dòng chảy thông tin hấp dẫn. Tò mò, bạn click “bài cũ hơn” một vài lần và xem những thứ như“Hội những kẻ dở hơi không biết bơi (nhóm)”“Hotgirl khoe súng (ảnh)”. Trước khi bạn biết chuyện gì đang xảy ra, 30 phút đã trôi qua và bạn đã quên khuấy đi mất mình đạng định chia sẻ gì. Tệ hơn, bạn quên sạch luôn danh sách việc-cần-làm trong ngày. Tiếp tục lặp lại quá trình này = không hoàn thành gì cả = hiệu suất 0.
Đặt những dòng cập nhật mới toanh từ bạn bè làm Dashboard mặc định là một UI (User Interface – giao diện người sử dụng) thông minh. Nó nuôi sống lượng truy cập của mạng xã hội nhưng giết chết hiệu suất của bạn. Nhiều công ty đã nhận thức được cái “Lỗ Đen hyberlink” này như cách hiện đại nhất, êm ái nhất và ngọt ngào nhất để dìm một nhân viên ưu tú xuống hàng ăn mày xã hội, hay để biến một bạn trẻ năng động thành một hikikomori.
PTCNVN đề xuất tách biệt rõ ràng 2 việc: đăng cập nhật của bạn – đọc cập nhật từ người khác. Tôi thường cập nhật vào 9 giờ sáng – lúc mọi người đang đọc Facebook (thay vì làm việc), và đọc cập nhật từ bạn bè sau 8 giờ tối – lúc mọi người đã nói hết những gì hay ho trong ngày (và bắt đầu nói nhảm). TweetDeck là công cụ hữu ích để lên lịch cập nhật trạng thái của Facebook/Twitter/Google+ cùng lúc.
Đừng nói và nghe cùng 1 lúc. Bạn đã biết rồi mà, phải không?

2. Con Số Tình Bạn: 150

Thời gian của bạn dành cho mạng xã hội sẽ tăng tỷ lệ thuận theo số lượng bạn có. Nếu bạn tốn 10 phút để xem cập nhật của 100 người bạn, thì khi lên đến 1,000 người bạn khoảng thời gian này nhanh chóng tăng lên ít nhất 10 lần. 100 phút/ngày = 36500 phút/năm = 608 giờ/năm = 25 ngày/năm  = 1 kỳ nghỉ hưu mini :) . Sử dụng RescueTime hoặc ứng dụng bấm giờ trên điện thoại để theo dõi thời gian bạn sử dụng mạng xã hội. Bạn sẽ ngạc nhiên đấy.
Vậy bao nhiêu bạn là vừa? Trước thời Internet, nhà nhân loại học người Anh Robin Dunbar đã chỉ ra rằng bộ nhớ của chúng ta có ngưỡng giới hạn nhất định dành cho các quan hệ xã hội thật sự có ý nghĩa. Vượt ra khỏi mức này, các quan hệ trở nên lỏng lẻo và trôi nổi, đến và đi không ảnh hưởng gì mấy đến môi trường xã hội của chúng ta.
Con số của Dunbar (Dunbar’s Number) là một khoảng từ 100 đến 230 mối quan hệ, với con số tối ưu là 150. Một người chỉ có thể duy trì khoảng 150 mối quan hệ lâu bền và gắn bó. Cho nên thay vì hếch mũi vì bạn có 4,000 bè trên Facebook (nhờ kết bạn loạn xà ngầu), hãy kiêu hãnh nếu bạn giữ liên lạc được với 150 người bạn chân thành.
Hãy nghĩ về những con số, nhé.

3. Theo Dõi Thay Vì Kết Bạn

Làm thế nào để đạt được con số Dunbar? Nếu bạn đang muốn ăn kiêng mạng xã hội thì đây là lựa chọn tối ưu: Subscribe/Follow.
Hãy cho người khác quyền nhận cập nhật của bạn và cho bạn quyền không nhận cập nhật của họ. Tiêu chí không kết bạn của tôi là 3 không: không thích-không quen-không biết. Thử theo dõi trong vòng 30 ngày, người bạn mới có lịch sự gửi cho bạn một thông điệp làm quen hay có những chia sẻ thú vị trên mạng không? Nếu không, hãy nhớ đến nút Unfriend/Unsubsribe/Unfollow.
Bắt đầu lọc danh sách bạn bè của bạn theo 4 nhóm sau:
  1. Phải có: gia đình, người yêu, bạn thân, mối tình đầu :)
  2. Nên có: tấm gương vĩ đại, cá tính độc đáo, bộ óc thông minh, tấm lòng nhân ái, bạn thân phương xa
  3. Không cần có: người nổi tiếng không hữu ích với bạn, người lạ chỉ thích huyên thuyên về chính họ
  4. Tránh xa: người nhảm nhí thích gây sự chú ý, dân “miền đù”
Hãy chia sẻ thường xuyên với (1) và (2) và cắt giảm không thương tiếc (3) và (4). Chỉ trong 7 ngày, bạn sẽ thấy mình có thêm nhiều thời gian để làm giàu thêm tình gia đình, tình yêu và tình bạn.
Mạng xã hội là cách rất dễ để vun đắp những mối quan hệ đã có sẵn.

4. Đừng Cập Nhật Trừ Phi Giá Trị Bạn Tạo Ra Nhiều Hơn Sự Chú Ý Bạn Tiêu Thụ (Của Bạn Và Người Khác)

1. Thêm Giá Trị Nếu Bạn Tiêu Thụ Sự Chú Ý

Cách Sử Dụng Mạng Xã Hội 3-Phát Triển Cá Nhân VN
Hãy xem 2 chia sẻ sau:
A: Hôm nay mặc quần lót màu đỏ bên ngoài áo da xanh bó sát. Hmmm…I’m sexy and I know it.
B: Hôm nay diện thời trang Super Sentai mua tại [một shop thời trang] ở Hồ Chí Minh. Xem một số mẫu Kamen Raider khác ở [www.website.com] này mọi người
(Quái dị, tôi biết, nhưng vẫn là thông tin cực hay với những ai thích cosplay.)
Cái nào hữu ích với bạn hơn? Đa số mọi người đều thích nói về bản thân mà không thèm đếm xỉa đến điều mình nói có hữu ích với người khác không.
Hãy Chú Ý trong tiếng Anh là Pay Attention. Hãy chú ý nhé, trong thời buổi ăn kiêng thông tin, sự chú ý cũng là một “dạng tài nguyên” mà bạn phải “mua” mới có được. Đừng nghĩ bạn không mất gì khi theo dõi những thông tin nông cạn trên mạng xã hội, chúng đang tiêu thụ sự chú ý quý giá của bạn mà không giúp bạn hiểu biết thêm chút nào.
Một vài cập nhật tự sướng cũng được. Nhưng hãy bảo đảm 90%+ cập nhật của bạn hữu ích hoặc giải trí cho những người kết nối với bạn. Đó là cách tốt nhất để xây dựng uy tín và được mọi người quý mến trên mạng.

2. Sử Dụng Công Cụ Theo Đúng Chức Năng Tốt Nhất Và Loại Bỏ Những Gì Còn Lại

Sử dụng công cụ đúng chức năng tốt nhất của nó. Bạn không cần biến mọi công cụ mạng xã hội thành dao mổ trâu. Nếu không bạn sẽ có một đống” bạn” đông như quân Nguyên xâm lược khoảng thời gian cá nhân của bạn những thông báo phiền phức không cần thiết.
Tôi sử dụng blog để thử ý tưởng/chiến dịch/học hỏi, tạo chất xúc tác thay đổi xã hội, và giới thiệu những khái niệm hiện đại để có thể theo dõi ảnh hưởng của những ý tưởng trong môi trường Internet.
Tôi sử dụng Facebook/Twitter để đăng những gợi ý ngắn cấp thiết, câu hỏi, sự kiện, những chia sẻ ngẫu hứng và các ý tưởng không đủ dài để làm một bài viết.
Tôi xem Facebook, Twitter như nền tảng micro-blogging (nhật ký điện tử vi mô) để lưu trữ những khoảnh khắc cảm hứng đột tử, những khám phá thú vị trên mạng, những công cụ hết xẩy, những ý tưởng nguyên khai đáng chia sẻ nhưng không đáng để viết thành một bài viết dài độc lập. Nếu các bạn đòi hỏi nhiều hơn 1-2 chia sẻ mỗi tuần từ PTCNVN, Facebook và Twitter là nơi để tìm.

3. Link, Ảnh, Video Là Cơ Bản Khi Tạo Ra Giá Trị

Cách Sử Dụng Mạng Xã Hội 2-Phát Triển Cá Nhân VN
Mạng xã hội (đặc biệt là Twitter) là cách hoàn hảo để mài giũa giá trị nghệ thuật sử dụng từ ngữ của bạn: ghi một dòng mô tả ngắn đính kèm theo link, ảnh, video dẫn đến chi tiết cụ thể cho những ai quan tâm.
Nếu bạn không có thời gian tìm link và chỉ có từ ngữ làm công cụ truyền thông duy nhất, hãy chia sẻ những câu chữ thực sự trí tuệ. Sự hài hước thông minh vẫn đáng hoan nghênh hơn những tiếng cười nhạt thếch. Tôi thích chia sẻ những bài thơ Haiku trên trang cá nhân:
Nửa đêm trời lạnh. Tôi trở dậy. Đắp thêm chăn cho nàng. @[người con gái tôi yêu]
Tôi giết một con kiến. Và thấy hai đứa con của tôi. Đang nhìn.
Sáng sớm. Tôi nhìn vào gương. Gương mặt cha tôi.

5. Hãy Tương Tác, Nhưng Đừng Sử Dụng Mạng Xã Hội Để Làm Hài Lòng Tất Cả Mọi Người

Tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác là công việc toàn thời gian mà chả có kỳ nghỉ hay phúc lợi gì. Chuyện gì sẽ xảy ra vào cái ngày bạn làm hài lòng tất cả mọi người? Không gì cả.
Hãy nhớ: Facebook/Twitter là cái bạn tự lựa chọn làm. Trừ phi bạn làm việc tại văn phòng các “ông trùm Internet” này, còn không hẳn bạn có một công việc khác hoặc những người thân khác quan trọng hơn rất nhiều. Hãy tập trung vào làm những việc lớn và thưởng thức mạng xã hội khi rỗi rãi.
Khi số thời gian một người dành cho mạng xã hội tăng dần lên, thì con người càng nghiêm túc hơn trong việc đánh giá người khác hơn trên mạng xã hội.
Xin nhắc lại: Người ta đang đánh giá bạn qua Facebook/Twitter/Google+.
Nếu bạn chia sẻ những gì hữu ích và tích cực thì nhanh thôi, bạn sẽ dành được thiện cảm của người khác. Nếu bạn nói về tình yêu cuộc sống, bạn sẽ là người người khác tìm đến khi có chuyện buồn. Nếu bạn toàn quăng bom chém gió, thì bạn là đồ cà chớn. Nếu bạn toàn danh ngôn giáo điều trong khi chưa làm được gì ra hồn, thì bạn là đồ dạy đời.
Thông tin rỗng không tốt cho ai cả.

Trên đây là 5 quy tắc để bạn sử dụng mạng xã hội một cách ý thức hơn.
Chúc bạn share, friend, link, like, tweet, circle, và post thú vị hơn và hữu ích hơn cho mọi người.

Xem thêm các bài viết về chủ đề: MẠNG XÃ HỘI
Nguồn: PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN VN