Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Con cáo, chùm nho và sự từ bỏ



Bùi Văn Tươi thân mến,

Trong cuộc sống, ắt hẳn chẳng bao giờ bạn đạt được tất cả mọi điều mà bạn mong muốn. Rất nhiều lúc, bạn cố gắng, cố gắng hết sức mình nhưng mục tiêu bạn hướng tới vẫn không đạt được. Những lúc đó bạn sẽ làm gì? Nguyên nhân nào khiến bạn từ bỏ mục tiêu?




Trước hết hãy cùng DeltaViet theo dõi câu chuyện ngụ ngôn dưới đây đã nhé:

Ở một khu rừng nào đó, Cáo cũng đang bị hành hạ bởi cái nóng và đang rất khát. Nó đi lang thang qua vườn cây ăn quả, bỗng nhìn thấy một chùm nho chín mọng, treo lủng lẳng trên cành. "Chà! Chỉ thứ đó mới có thể làm dịu cơn khát và sự thèm muốn của ta", cáo nghĩ. Lùi lại vài bước chân, nó lấy đà và nhảy lên vồ chùm nho nhưng không được. Cáo bèn quay lại và đếm: "một, hai, ba" rồi lại nhảy lên, nhưng lần này cũng không chạm tới chùm nho. Qua mấy lần nhảy lên nhưng đều thất bại, cáo đành bỏ đi và miệng thì lẩm bẩm: "Nho hãy còn xanh lắm. Chắc chắn những quả nho đó thể nào cũng chua!"

Bạn thấy câu chuyện này quen thuộc chứ? Ừm, không sai, đó là câu chuyện “Con cáo và chùm nho”, nằm trong loạt truyện ngụ ngôn nổi tiếng của Ê-dốp. Và chắc bạn đang thắc mắc là vì sao DeltaViet lại kể cho bạn nghe câu chuyện này.

Trong câu chuyện, con cáo đã rất muốn hái được chùm nho. Nó đang khát, và nó biết chùm nho thỏa mãn cơn khát đó. Nó ra sức để hái được chùm nho, nhưng vô ích. Nó bỏ đi, nhưng câu chuyện chỉ thực sự khiến chúng ta suy ngẫm khi con cáo thốt lên "Nho hãy còn xanh lắm. Chắc chắn những quả nho đó thế nào cũng chua!" vào phút cuối. Điều này phê phán đặc điểm xấu của hầu hết chúng ta là, khi không đạt được mục tiêu, bạn biện ra lý do là vì mục tiêu đó không đáng để chúng ta cố sức nữa. Và đó là lý do bạn từ bỏ: đơn giản là bạn không muốn phí sức cho những mục tiêu không đáng có. Đó là hành vi che đậy cho sự nản chí. Và sâu xa hơn, bạn đang nói dối chính bản thân bạn.

Rõ ràng con cáo đã bỏ cuộc vì nó không với tới được chùm nho, chứ không phải là vì nho còn xanh, nhưng nó vẫn tự an ủi mình "Nho hãy còn xanh lắm"! Nhiều người trong chúng ta, khi thất bại, không chịu nhìn nhận đúng hoàn cảnh và khuyết điểm cần khắc phục của bản thân, lại đổ lỗi cho hoàn cảnh và tự huyễn hoặc mình bằng những lời nói tương tự như "Nho hãy còn xanh lắm". Bạn có biết điều này rất tai hại cho sự phát triển của bản thân bạn?

Khi bạn thất bại, bạn không đạt được mục tiêu mình đề ra, điều bạn cần làm là nhìn nhận lại bản thân và đi tìm nguyên nhân vì sao bạn thất bại, từ đó rút ra cho mình bài học kinh nghiệm để sửa chữa; chứ không phải tự lừa dối bản thân bạn từ bỏ vì mục tiêu đó không còn quan trọng nữa. Một thực trạng rất phổ biến đó là việc các bạn trên con đường xây dựng sự nghiệp của mình. Tôi có một người bạn đang tìm việc mới vì chỗ làm cũ quá nhàm chán và mệt mỏi. Nhưng người bạn đó nộp đơn nhiều nơi mà không được gọi phỏng vấn. Cuối cùng anh ta bỏ cuộc, quyết định làm ở chỗ cũ. Khi được tôi hỏi, anh ta đã trả lời "thấy chỗ nào lương cũng thấp, chắc cũng không khá hơn chỗ mình đang làm là bao nhiêu, tìm việc lại mất thì giờ. Thôi thì làm chỗ cũ cũng được". Và tôi chợt thấy bóng dáng anh ta trong câu chuyện của chú cáo kia. Rõ ràng anh ta muốn thay đổi, muốn tìm một công việc khác để có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp hơn nữa, nhưng anh ta đã bỏ cuộc vì nguyên nhân anh ta tự vẽ ra như trên. Nếu cứ suy nghĩ như thế, chắc chắn anh ta sẽ không bao giờ tiến lên được. Như chú cáo kia - sẽ không bao giờ hái được nho...

Chúng ta vẫn luôn tâm niệm câu nói này "hãy trung thực với mọi người, hãy sống thật thà, thẳng thắn..." thế nhưng đã bao giờ bạn tự nhủ "hãy trung thực với chính mình?"
Bạn có dám can đảm thừa nhận sai lầm của bản thân, có dám nhận lỗi về mình và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình đến cùng?

Quay trở lại câu chuyện trên, con cáo đã bỏ đi khi không hái được nho. Nó đã an ủi được bản thân "Nho vẫn còn xanh lắm", nhưng nó vẫn rất khát...:)



Hi vọng bạn có một bài học nhỏ cho mình qua câu chuyện trên của DeltaViet.


Đừng bao giờ nói "Nho vẫn còn xanh lắm" nhé :)


Thân mến,
DeltaViet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét